Mẫu dĩ Tử quý Trịnh_Thái_hậu_(Đường_Tuyên_Tông)

Năm Hội Xương thứ 6 (846), ngày 1 tháng 3 ÂL, Đường Vũ Tông do đam mê thuốc trường sinh bất lão, cuối cùng bị độc sát mà chết, tuổi còn trẻ. Hoạn quan can chính, ủng hộ lập thứ thúc của Đường Vũ Tông là Quang vương Lý Thầm kế vị, tức Đường Tuyên Tông. Tháng 4 (ÂL) cùng năm, Tuyên Tông ra chỉ dụ tấn tôn cho Quang Vương thái phi Trịnh thị trở thành Hoàng thái hậu[9][10], còn Thái hoàng thái hậu Quách thị thì vẫn được giữ nguyên ngôi vị. Em trai Hoàng thái hậu Trịnh thị là Trịnh Quang được phong chức Hộ bộ Thượng thư, Chư Vệ tướng quân, rồi Tiết độ sứ Bình Lư (平盧)[11].

Lúc này, trong hậu cung có đến 3 vị Thái hậu, gồm Quách Thái hoàng thái hậu, Trịnh Thái hậu là mẹ của Tuyên Tông và Tiêu thái hậu là mẹ của Đường Văn Tông. Vì Quách hậu là nguyên phi của Đường Hiến Tông, mẫu hậu của Đường Mục Tông và là hoàng tổ mẫu của Đường Kính Tông, Đường Văn TôngĐường Vũ Tông, nên tôn vị của bà ta trong hoàng cung lẫn hoàng thất cực kỳ tôn quý. Về sau, dù Kính Tông hoàng đế, Văn Tông hoàng đế có tôn Vương Thái hậu và Tiêu Thái hậu phụng dưỡng, cũng không quên tối kính đối với hoàng tổ mẫu Quách Thái hoàng thái hậu. Tuy nhiên, đến khi Tuyên Tông lên ngôi thì tình hình lại khác hẳn. Khi xưa, Trịnh Thái hậu làm cung nữ hầu hạ cho Quách Quý phi đang đắc sủng, đột nhiên được Hiến Tông sủng hạnh và mang long thai, nên đã làm Quách Quý phi cực kỳ phẫn nộ, thường xuyên la mắng và chèn ép. Khi Tuyên Tông đăng cơ, có nghe chuyện trước đây nên tỏ ra bất bình, cộng với mối nghi ngờ Quách hậu hạ sát Hiến Tông hoàng đế nhằm lập con trai là Mục Tông đăng cơ, nên Tuyên Tông càng không coi trọng Quách hậu khiến bà bất mãn, dù vẫn giữ tôn vị Thái hoàng thái hậu cho bà như cũ.

Năm Đại Trung thứ 2 (848), tháng 6, Thái hoàng thái hậu Quách thị có ý định nhảy lầu tự sát, tả hữu cản lại kịp, ngay hôm sau thì đột ngột qua đời ở Hưng Khánh cung. Nhiều lời dị nghị rằng, Tuyên Tông khi nghe tin Quách hậu muốn tự sát vì bị ông đối đãi không tốt, đã trở nên tức giận và âm thầm hạ sát bà. Sau khi Quách hậu băng, Đường Tuyên Tông có ý chuyển kim quan của bà chôn ở nơi khác, vì ông dự định sau khi Trịnh Thái hậu qua đời sẽ hợp táng bà cùng Hiến Tông tại Cảnh lăng. Tuy nhiên, nhiều quần thần dị nghị và kịch liệt phản đối, việc bèn thôi.

Trịnh Thái hậu mặc dù đã là Hoàng thái hậu, nhưng bà vẫn quyết định sống ở Đại Minh cung, và Tuyên Tông phụng dưỡng bà rất chu đáo[4]. Còn Trịnh Quang về sau được đổi làm Tiết độ sứ Hà Trung[12], sau đó đưa về Trường An. Trịnh Thái hậu nói với Tuyên Tông rằng, Trịnh Quang phải sống trong cảnh bần hàn, vì thế Tuyên Tông ban cho Trịnh Quang rất nhiều lương bổng và chức vị trọng hậu, tuy nhiên không cho nắm quyền trong triều[13].